Nguồn gốc của việc không hiểu nhau là không lắng nghe nhau. Trong bất cứ gia đình nào, bao gồm cả gia đình bạn đều có mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái. Mình muốn hỏi bạn, một người phụ huynh rằng: Bạn đã THỰC SỰ lắng nghe con của mình bao giờ chưa?
Bạn đã bao giờ thực sự lắng nghe con


Bạn hiểu thế nào về lắng nghe?

Trăm người thì trăm hướng
Khái niệm về lắng nghe rất đa dạng. Nó cũng giống như định nghĩa về hạnh phúc vậy. Nếu bạn hỏi 100 người "Lắng nghe là gì?", bạn sẽ nhận được 100 câu trả lời.

Vậy theo bạn, lắng nghe là gì?

Nếu chỉ nghe người khác nói thì có phải là lắng nghe không? "Lắng nghe" nếu chỉ là biết đối phương đang nói gì thì chữ "lắng" vứt đi đâu?

Lắng nghe bằng cả trái tim
Lắng nghe theo mình là nghe bằng cả trái tim. Không chỉ nghe bằng tai mà còn thấu hiểu được cả những suy nghĩ, tâm tư của đối phương qua hành động và cử chỉ. Đó không phải là tình yêu sao? Đó không phải là gia đình sao?

Tại sao phải lắng nghe con?

Như đã nói ở trên, lắng nghe là một biểu hiện của tình yêu. Vậy bạn có yêu con của bạn không? Hãy lắng nghe con nhé!

Lắng nghe không chỉ là biểu hiện của tình yêu mà còn là phương pháp giúp bạn hiểu con nhiều hơn.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều phải trải qua cái tuổi dậy thì, cái tuổi người ta thường gọi là ẩm ương. Đó là lứa tuổi con bắt đầu có những suy nghĩ mới lạ, những suy nghĩ đôi khi khác với trước đây và thường trưởng thành hơn. Vậy mà bạn, bậc làm cha, làm mẹ lại thường cố gắng phủ nhận điều đó.

- Con bắt đầu yêu đương rồi phải không? Dừng lại ngay
- Con với chả cái! Học hành không lo, suốt ngày hát với hò, văn với chả nghệ.
- Con còn bé lắm! Kiếm tiền cái gì. Lo học đi.
- Sao người con có mùi thuốc lá? Học ở đâu cái thói đua đòi vậy hả?

Đó là một vài câu nói "tiêu biểu" của các bậc phụ huynh khi thấy con mình làm một việc gì đó trái với ý mình. Thế bạn đã bao giờ hỏi con rằng: Tại sao con lại làm vậy?

Cái "tôi" cá nhân của bạn đôi khi lại làm cho con cái cảm thấy khó chịu, cảm thấy mình không còn được thương yêu như trước nữa. Con cái chỉ cần bố mẹ lắng nghe. Vậy là đòi hỏi quá nhiều hay sao?

Rất nhiều gia đình đã tan vỡ chỉ bởi không ai chịu lắng nghe. Bạn muốn gia đình mình cũng nằm trong số đó sao?

Hãy học cách lắng nghe ngay bây giờ để có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc bạn nhé!

Cách luyện tập khả năng lắng nghe, thấu hiểu con

Biết là phải lắng nghe con mới có thể hiểu con hơn, giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn trong gia đình. Nhưng để THỰC SỰ lắng nghe con đâu phải là điều đơn giản.

Nếu bạn không muốn đi làm bận rộn suốt ngày dài để rồi về nhà lại gặp chuyện ở trong gia đình thì bạn nên học cách lắng nghe ngay bây giờ! Hãy tập cách lắng nghe con qua 3 bước đơn giản sau nhé!
Nếu không phải bây giờ thì BAO GIỜ?

Ngừng phán xét

Trước tiên hãy bắt đầu với việc đơn giản nhất, hãy ngừng phán xét.

Việc phán xét một ai đó, một sự việc nào đó dường như đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Điều này khiến cho bạn nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, thiếu khách quan và thiếu tình người.

Từ bỏ phán xét giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn. Không chỉ nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, bạn sẽ bắt đầu đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, sự thật của sự việc đó.

Để có thể ngừng phán xét, bạn hãy tập thư giãn, học cách chấp nhận sự việc, hiện tượng đang xảy ra. Và những điều đó lại là kết quả của thiền định.

Phải đó! Mình muốn nói là bạn nên tập thiền. Thiền giúp bạn thư giãn, cảm nhận thế giới xung quanh và thế giới trong chính bản thân bạn. Thiền giúp bạn điều hòa cảm xúc tốt hơn, từ đó hiểu cảm xúc của người khác dễ dàng hơn.

Nếu bạn bận rộn, không có thời gian đến các lớp tập thiền thì bạn hoàn toàn tập thiền tại nhà được và là tập với chuyên gia đàng hoàng giống như mình vậy.


Nào bây giờ chúng ta cùng chuyển sang bước tiếp theo: Đặt câu hỏi.

Đặt câu hỏi

Khi bạn đã chấp nhận sự việc, hãy bắt đầu tìm hiểu nó.

Chọn thời điểm để hỏi là việc tiên quyết cho sự thành công. Việc này nên được thực hiện lúc con thoải mái (nhất là khi con đang ở tuổi ẩm ương), thảnh thơi, không làm gì đòi hỏi sự tập trung (bao gồm cả việc chơi game hay lướt Facebook). Bắt đầu bằng câu nói "Bây giờ con có thể nói chuyện với bố/mẹ một chút được không?" sẽ là một ý hay.

Hãy chứng tỏ cho con thấy rằng mình muốn chia sẻ thật lòng bằng ánh mắt. Nhìn thẳng vào mắt con và không liếc đi chỗ khác rất quan trọng. Điều đó khẳng định sự quan tâm và tình thương của bạn dành cho con đồng thời tỏ sự chân thành muốn chia sẻ cùng con.

Đừng đặt câu hỏi dồn dập hay câu hỏi chứa thái độ tiêu cực như "Điểm số trên lớp thế nào? Có cao không?". Việc này vô tình dẫn đến sự sợ hãi hay thái độ chống đối của con.

Hãy bắt đầu hỏi con những câu hỏi nhằm mục đích tìm hiểu nguyên nhân, lý do con có hành động đó như "Bây giờ con có thể kể cho mẹ nghe chuyện học tập của con được không?". Những câu hỏi dạng này sẽ khuyến khích con nói chuyện và thoải mái hơn.

Và sau khi hỏi là bước quan trọng nhất: Lắng nghe con.


Lắng nghe con

Bước quan trọng nhất là lắng nghe con. Việc bạn hiểu con, gần gũi con thêm được bao nhiêu chính là ở bước này vì vậy bạn chú ý nhé!

Nhìn thẳng vào mắt con là điều quan trọng nhất. Việc nhìn thẳng vào mắt không chỉ thể hiện rằng bạn đang lắng nghe con, mà còn lắng nghe một cách chân thành, không phán xét. Chú ý rằng bạn PHẢI nghe con nói chứ đừng nhìn vào mắt con mà tâm hồn treo ngược cành cây. Hãy lắng nghe thật chân thành!

Đôi khi sẽ có một vài sự kiện bất ngờ làm phiền cuộc trò chuyện giữa bạn và con. Mình biết rằng công việc đôi khi đột ngột đến không lường trước NHƯNG hãy gạt đi nếu bạn có thể. Dù là rất đơn giản như tắt máy điện thoại cũng khẳng định tầm quan trọng của con đối với bạn.

Tuyệt đối không được ngắt lời con. Việc ngắt lời một ai đó thôi đã là bất lịch sự rồi nên ngắt lời con, ngắt lời một người đang dành thời gian chia sẻ chân thành với mình là một tội ác thực sự. Điều này bạn tưởng nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm trạng của con rất nhiều.

Đừng để cuộc trò chuyện này trở nên một chiều. Việc lắng nghe là để hiểu một ai đó nhưng không phải chỉ có mỗi nghe. Để hiểu con bằng cả trái tim, bạn hãy chia sẻ những gì bạn biết, quá khứ, kỉ niệm của bạn về chủ đề đang được tranh luận. Con sẽ rất thích được biết rằng bố mẹ chúng cũng từng trải qua những chuyện như vậy đấy!

Kết luận

Vậy là qua bài viết này bạn đã hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe và chia sẻ cùng con. Đồng thời bạn cũng đã nắm được cách để bắt đầu lắng nghe con, kéo các thành viên trong gia đình lại gần hơn.

Mình mong rằng qua những chia sẻ chân thành của mình, bạn sẽ có cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc hơn. Và lúc đó hãy thông báo cho mình biết nhé!